PV Báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với NGND, PGS.TSKH Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Tin học 2018 về vấn đề này.
Phóng viên: Bộ GDĐT đã trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?
NGND Hồ Sĩ Đàm: Trong báo cáo của Bộ GDĐT đã nêu rõ, đầy đủ các ưu việt vượt trội của phương án 2 +2. Trong đó có một điểm mới đặc biệt, lần đầu tiên 2 môn Tin học và Công nghệ là 2 môn lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Điểm mới này phù hợp với mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Lâu nay mỗi năm có hàng trăm ngành nghệ đào tạo ở các trường đại học thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kĩ thuật, Công nghệ có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhưng trong các tổ hợp môn tuyển sinh không có môn Tin học và môn Công nghệ. Đó là một bất cập lớn, là một nghịch lí mà nay phương án 2+ 2 tạo cơ hội để khắc phục.
Theo ông, cần làm gì để hiện thực hóa sự đổi mới quan trọng này?
- Bất cập lớn hiện nay là quan niệm sai lầm rằng “học để ứng thí”. Hai môn Tin học và Công nghệ không thi tốt nghiệp, kéo theo không có trong các tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học, dẫn đến học sinh, nhà trường coi là môn phụ, xem nhẹ việc dạy và học.
Vì vậy nên chất lượng đầu vào tuyển sinh nhiều ngành đào tạo đòi hỏi kiến thức về Tin học và Công nghệ ở bậc đại học không đảm bảo. Do đó, theo tôi, việc cần làm ngay là nên truyền thông rộng rãi về quyết sách mới của phương án 2+2 và các trường đại học cần xây dựng mới, tái cấu trúc và công bố sớm các tổ hợp môn xét tuyển sinh cho các ngành đào tạo ở bậc đại học.
Ông hãy phân tích rõ hơn về sự cần thiết khi các trường đại học xây dựng và công bố sớm các tổ hợp môn xét tuyển?
- Việc xây dựng mới và công bố sớm các tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học sẽ điều chỉnh quyết sách có tầm ảnh hưởng tác động lớn.
Trước tiên về phía học sinh và phụ huynh, việc biết trước các tổ hợp môn tuyển sinh cho mỗi ngành đào tạo của các trường đại học sẽ giúp họ lựa chọn học các môn học ở THPT ngay từ lớp 10 phù hợp với dự kiến, nguyện vọng được đào tạo nghề trong tương lai. Như vậy, việc chọn môn học ở THPT không chỉ để thi mà còn để hướng tới nghề nghiệp tương lai. Điều này cũng có nghĩa là nâng cao được chất lượng dạy và học ở phổ thông vì nó thực hiện nguyên lí “thực học, thực nghiệp”.
Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, hiện nay, các trường THPT xây dựng các tổ hợp môn học cho học sinh chọn để học cơ bản dựa vào các môn có trong tổ hợp môn tuyển sinh đại học, chứ không phải chọn môn học nào có đóng góp trực tiếp vào việc đào tạo nghề ở bậc đại học.
Sự lựa chọn đó chưa gắn kết giữa các môn học sinh được học ở phổ thông với các môn học sinh sẽ học ở đại học. Vì vậy, khi biết sớm cấu trúc mới, các tổ hợp môn xét tuyển sinh của các trường đại học, các trường phổ thông sẽ kịp thời điều chỉnh, xác định được các tổ hợp môn hợp lí hơn cho học sinh lựa chọn để học, để thi.
Điều này vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, vừa phù hợp với triết lí “học gì thi nấy”, thực sự tránh hiện tượng tiêu cực “thi gì học nấy” đang thống trị suốt nhiều năm qua.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học, cho đến nay, các trường đại học xác định các tổ hợp môn tuyển sinh vẫn đang dựa trên các môn thi tốt nghiệp hiện hành, không còn phù hợp với sự đổi mới căn bản theo phương án 2 +2 sẽ áp dụng từ năm 2025. Phương án thi mới này thực chất là “học gì thi nấy” theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Việc xây dựng mới, điều chỉnh các tổ hợp môn tuyển sinh sẽ giúp các trường đại học có được nguồn ứng viên đầu vào có chất lượng, đó là những đối tượng đã được chuẩn bị kiến thức tốt ở phổ thông cho định hướng tương lai, chuẩn bị về cả tâm lý, nguyện vọng và năng lực.
Việc làm này có tác động thế nào đến sự phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, thưa ông?
- Việc Bộ GDĐT công bố 4 môn thi trong số 11 môn học theo phương án 2 +2 là cơ sở để các trường đại học xây dựng mới, điều chỉnh cấu trúc mới và công bố sớm tất cả các tổ hợp tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo là một việc hết sức cần thiết.
Điều này thiết thực tạo ra sự liên kết giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, tạo thành một hệ thống giáo dục hiệu quả từ phổ thông đến đại học, đặc biệt góp phần thực hiện chủ trương lớn về giáo dục định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông trung học.
Việc làm này giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội nhận thức đúng chủ trương và hiện thực hóa đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đây cũng nhằm hiện thực hóa chủ trương lớn là phát triển giáo dục phổ thông và đào tạo đại học phải là một hệ thống giáo dục xuyên suốt từ bậc phổ thông đến đại học mà trên thực tế nhiều năm nay chưa có cơ hội để làm được.
Tôi cho rằng đây sẽ là một giải pháp mới, có tính đột phá rất ý nghĩa, có giá trị thiết thực, góp phần quan trọng cho quá trình nâng cao chất lượng việc dạy và học ở phổ thông, đồng thời tạo nguồn tuyển sinh có chất lượng tốt, cơ sở bền vững cho chất lượng đầu ra của các trường đại học cho nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo daidoanket.vn